VIÊN THỨC THIỀN SƯ đến Miami, Florida 24.12.2012 Vào một ngày gần cuối năm 2012, trong lúc mọi người đang chuẩn bị mừng đón Giáng Sinh An Lành thì tôi đến chụp hình chùa Phước Huệ ở địa điểm mới để ban lãnh đạo gửi thông báo cho cộng đồng biết. Khung cảnh nơi đây rất yên tĩnh và thoáng mát. Những tia nắng ấm áp của miền Nam Florida soi qua kẻ lá hòa quyện cùng những cơn gió thổi nhẹ nhàng làm cho lòng người cảm thấy thiên nhiên ở đây thật đẹp. Vạn vật xung quanh xanh tươi làm tôi cảm thấy như cành hoa mai vừa chớm nở trước hiên. “Ai bảo Xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một cành Mai” Mãn Giác Thiền Sư Sau khi tôi chụp hình chùa xong và chuẩn bị ra về thì Thầy Trụ trì cũng đang tiễn chào vị Thiền sư đến từ Việt Nam và những người dẫn đường. Nhân duyên hòa hợp, tôi được cô Không Tuyết giới thiệu và cho biết vị Thầy này là bạn của Sư phụ tôi ở Việt Nam. Hai người bạn thân cùng thời, cùng tư tưởng, cùng là Thiền Sư được biết đến rất nhiều qua thông tin đại chúng cũng như báo chí trong và ngoài nước đó là Như Huyễn Thiền Sư (Pháp Sư Thích Từ Thông) và Viên Thức Thiền Sư. Sau khi hỏi và thưa chuyện với Thầy về tôi và Sư phụ, tôi ngỏ lời mời Thầy ghé nhà tôi cách đây khoảng mười phút xe. Tôi lái xe, Thầy ngồi bên cạnh nói chuyện, trao đổi và học hỏi từ dòng suy nghĩ qua lời nói của Thầy thật là hữu duyên. Thầy nói chuyện rất là thoải mái, vui vẻ, chia sẻ cho tôi biết là Thầy đã đi thăm hết 50 tiểu bang của Hoa Kỳ trong 3 lần trước. Nhưng đặc biệt lần này, lần thứ 4, Thầy muốn thăm viếng các chùa ở tiểu bang Florida là chính. Chúng tôi rất hoan hỉ đón Thầy đến thăm Chùa Phước Huệ ở địa điểm cũ và mới lần này. Thật là một duyên lành, và mong rằng, nếu được Thầy đến tham dự lễ An vị Phật của Chùa Phước Huệ ở địa điểm mới vào ngày19/1/2013 thì thật là vinh hạnh biết mấy. Tôi và mọi người trong đoàn được Thầy đưa cái ổ đĩa cứng di động mà có chứa toàn bộ hình ảnh và những đoạn phim ngắn được thâu lại trong những lần Thầy đi tứ phương. Thầy thật là vui và cảm thán những cảnh hoành tráng của thiên nhiên, từ núi non đến biển rộng, từ cây cỏ thiên nhiên đến con người, từ Đông sang Tây, từ Nam ra Bắc, và từ trong nước ra ngoài nước. Như Huyễn Thiền Sư đã từng gọi người bạn thân này của Thầy là “Dị Nhân” bởi vì Viên Thức Thiền Sư “áp dụng phương pháp tu Thiền của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời áp dụng theo trường phái Thiền của Tổ Sư Thiền dòng Lâm Tế Trung Quốc thời xưa.” (http://khatsi.com/content.php/541-vien-thuc-thien-su .) Cái tư tưởng Thiền theo dòng Thiền Lâm Tế là “vô sự tức Thiền”. Còn Thiền của Trúc Lâm Yên Tử là Thiền “chơi”. Vì vậy, Thầy Viên Thức kết hợp hai trường phái để học, nghiên cứu, áp dụng riêng cho mình, và cũng chính tư tưởng này làm cho Thầy có một đạo hạnh, đạo phong, đạo tâm, đạo đức rất dị nhân mà ví dụ rõ nét nhất qua bài Tự Trào của hai Thầy: "Thiền lộ dưới trăng trời lặng lẽ Đêm sương không lạnh tưởng trưa hè Thân mang áo ấm mười hai lớp Trẻ nít nhìn ông khóc chạy te” Như Huyễn Thiền Sư nói về Viên Thức Thiền Sư như sau “CHƠI mà ! Tu chơi, hành chơi, làm chơi, đi chơi, ăn chơi, mặc chơi, ở chơi, ngủ chơi... và cái gì cũng CHƠI hết...” Thật đúng vậy, trong suốt hơn hai giờ được học hỏi và thưa chuyện với Thầy thì tôi nhận thấy cái đức tính “Vô Sự và Dị Nhân” của Thầy qua cách diễn tả từ những tấm hình chúng tôi được coi qua màn ảnh tivi lớn. Thầy giải thích từ những cảnh trí thiên nhiên cũng như cảm nghĩ của Thầy qua từng nơi một, từ Phong Trúc Am nơi Thầy ở trong thời gian tại Pensacola, Florida đến tranh trừu tượng Thầy vẽ và đặc biệt là thơ Thầy đọc thật độc đáo và thật gần gũi làm tôi liên tưởng đến đến các Tổ Sư Thiền từ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng và các vị tiền bối qua bốn chữ “Thong Dong Tự Tại.” Vâng, tôi thật là vui, xúc động và cảm thấy rất may mắn khi có được nhân duyên hạnh ngộ và được Thầy coi, đọc và đồng cảm qua bài thơ “Tâm Bình Đẳng” mà tôi viết hơn hai năm trước đây. Thầy nói những suy nghĩ mà tôi thể hiện trong bài thơ này “trúng trọng tâm chứ không phải bắn cung lung tung” và phản ảnh rõ nét hệ tư tưởng của Thầy Từ Thông. Thầy cũng nhấn mạnh ở hai trọng điểm của ngày hôm ấy qua hai câu tiếng Anh mà Thầy viết xuống để tặng chúng tôi là: · Tâm truyền Tâm: “Wordless Conversation. Everything Would Be Quite Perfect” · An Vui Tự Tại: “Living in the Present. How beautiful this very moment is!” Quá khứ thì đã đi qua, tương lai đang dần tiến tới cho nên mình nên sống bằng Phật tánh của mình cho hiện tại là sẽ có an vui tự tại. Nếu mình cố gắng luyện tập Thiền định tạo trí tuệ để hoán chiếu quá khứ, vị lai và hiện tại như một thể thống nhất để “Nhất thiết dụng nhiếp, Nhất thiết vô ngại.” Nó như một làn gió nhẹ, vừa mát mẻ, vừa thổi tan những đám mây mù huyển hoặc để cho bầu trời chân lý lồng lộng mở ra trong ta một màu xanh trong ngắt. Cảm xúc sâu lắng này giúp tôi viết lên bài thơ với tựa đề Dị Nhân Duyên sau lần hội ngộ này. “Dị Nhân hóa bước đến nơi này Đại Lão ngao du khắp đó đây Hòa Thượng nhìn đời qua ngũ nhãn Viên Thức Thiền Sư thích Tự Chơi” Và đây là bài Duyên Hội Ngộ “Hữu duyên hội ngộ chốn nơi nào Muôn dặm nghìn trùng xa cách xa Tâm luôn cảm thấy như Mai nở Mãn[1]-Viên[2]-Như Huyễn[3] bất nghìn thu.” Nguyễn Minh Hiền viết ngày 25/12/2012 |
Từ trái sang phải: Hiền, Dung, Nguyên Phúc, Thầy Viên Thức, Phượng, Dũng, Thuận |
Tâm Bình Đẳng
Minh Hiền 25.9.2010
Thiện Căn ở tại chánh Tâm
Chữ Tâm này xứng bằng Trăm chữ Tài
Cho dù ai có bất tài
Có tâm có đức xài hoài không vơi
Tâm này phải khởi từ nơi
Phật Tâm ta đó, luôn khơi lòng từ.
Nhưng làm sao thấy bây chừ
Thấy Tâm ta đó để trừ khổ đau
Cuộc đời ai cũng mong sao
Được luôn hạnh phúc và mau thành tài.
Cho nên ai cũng miệt mài
Cầu mong Phật pháp, mong Ngài giúp cho.
Phật từng giảng Pháp nhỏ to
Bảo rằng đâu có ai cho mà cầu?
Cho nên bạn chớ có rầu
Rầu chi cho khổ thêm sầu Tâm ta.
Làm sao mình lấy Tâm ra?
Dùng trong cuộc sống, Ta Bà này đây?
Chuyện đời như huyễn như mây.
Dùng Tâm Bình Đẳng để xây cuộc đời
Cuộc đời tiếp diễn xa vời
Hiền nhân, kẻ ác, không rời đâu xa
Làm sao mình kiếm Tâm ra?
Nó không đâu hết, chẳng qua Tâm Bình
Tâm Bình thật chất chính mình
Mình không cố chấp, tìm hình bóng xa.
Bởi vì hình bóng đâu ra?
Cuộc sống trước mắt hay xa nơi nào?
Ai ơi xin chớ càu nhàu
Bình Tâm mà có, người nào cũng vui.
Chớ xin cầu phước ban vui
Vì xin như thế, ai vui đâu nào?
Ai cho? Ai lấy? Cái nào?
Bình Tâm suy nghĩ hàng rào mất đi.
Làm cho ta thấy cõi ni.
Chơn như duyên khởi làm si Tâm Bình
Xin đừng lấy cớ của mình
Rồi cho duyên khởi làm mình mất Tâm.
Tâm Bình luôn ở trong mình
Mình không thấy nó, bỏ mình đi xa.
Ai ơi xin nhớ bài ca
“Bông Hồng Cài Áo” giúp ta thấy mình.
Tâm Bình trở lại với mình
Bình Tâm luôn có cái hình bóng ta
Vậy thì trong cõi người ta
Tâm Bình thật chất chính ta với mình.
Nhấp chuột vào đây để xem bài viết tiếp theo: Một Thoáng Thủy Vân Am