Danh sách bài văn - thơ
Thiền Sư và Phong Trúc Am

Pháp Thuận

 Căn nhà sàn nhỏ bằng gỗ xinh xắn đã bỏ hoang trong vườn nhiều năm kể từ khi ba đứa bé trai, con của chúng tôi, lớn lên và đi học xa.  Những con sóc đã chui vô trú ngụ và đem những hạt đậu vào giấu trong đó.  Chim chóc cũng tha cây cỏ vào làm tổ, và những con ong rất thích bám vào gỗ để xây những cái ổ bằng đất.  Chúng đẻ trứng và nuôi con trong đó.  Chẳng có ai làm hại chúng nên chúng tự do sinh sống trong căn nhà này. Nhà được đóng bằng gỗ nên mùa hè thì rất mát, mùa đông thì lại ấm áp và rất thoáng. Chung quanh căn nhà có một vườn rau và vài cây ăn quả.  Do một nhân duyên kỳ lạ, một Thiền sư, từ bên kia nửa vòng trái đất, đã đặt chân đến đây; Người đã đem lại sức sống cho căn nhà và biến nó thành một chỗ ẩn cư thật là thơ mộng.

  Thiền sư là người yêu thiên nhiên.  Người thích ở ngoài trời và thích ngủ trên võng.  Thấy căn nhà bỏ hoang, Thiền sư muốn leo lên coi thử.  Người rất thích và muốn ở trong căn nhà này.  Lúc đầu, chúng tôi rất ái ngại vì nhà có nhiều phòng bỏ trống mà Thiền sư lại muốn ở ngoài này.  Cuối cùng, chúng tôi cũng chìu ý người, và Thầy trò bắt đầu quét dọn cho sạch sẽ.  Chúng tôi rất ngạc nhiên vì đã trải qua nhiều năm, nhiều cơn bão lớn đã đi ngang qua, thế mà căn nhà vẫn còn nguyên vẹn.  Đêm đầu tiên, Thiền sư đã giăng võng ngủ trong đó.  Sáng hôm sau, Người nói với chúng tôi rằng, “Thầy đã ngủ thật ngon; giống như là ở quê nhà vậy.”  Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười.

  Trong vườn có hai chậu trúc to không ai chăm sóc mấy năm rồi.  Sở dĩ chúng tôi không trồng xuống đất vì loại trúc này, nếu bỏ xuống đất, sẽ mọc lan ra khắp nơi như đám rừng.  Chúng tôi bỏ mặc chúng cho chúng tự sanh tự diệt.  Sau khi Thiền sư vô ở trong căn nhà đó, Người bưng hai chậu trúc này đặt ở hai bên góc nhà.  Người nói người rất thích trúc vì ở Việt Nam Người trồng rất nhiều trúc trong vườn.  Thiền sư thích nếp sống thanh đạm và rất yêu thiên nhiên nên người không cho chúng tôi tu sửa lại căn nhà này nhiều.  Người muốn giữ nguyên vẹn nét đơn sơ cổ kính của nó. 

  Mỗi buổi sáng đi thiền hành, chúng tôi thường đi ngang qua bờ sông và những khu nhà có nhiều cây sồi lớn.  Đôi khi gió lớn, có những cành cây bị gẫy rơi xuống đất.  Thêm vào đó, là những khúc cây khô theo con nước trôi dạt vào bờ.  Chúng tôi hay lượm những khúc cây lạ đem về trang trí cho căn nhà.  Từ bờ sông, chúng tôi phải đi bộ đến hai dặm đường mới về đến nhà.  Khi gặp được những khúc cây ưng ý,Thầy trò kéo lếch thếch dưới mặt đường hoặc khiêng trên vai để mang về.  Có khi Thiền sư dùng dây buộc vào sau lưng, giống như người ta đeo kiếm, nên trông rất buồn cười.  Vào mùa hè, trời nóng nên ai nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng chúng tôi vừa đi vừa cười ngặt nghẽo nên không thấy mệt.  Xe chạy ngang, người ta chẳng biết chúng tôi khiêng cây để làm gì, nhưng họ cũng vẫy tay chào.  Mỗi lần như vậy thì Thiền sư lại đọc hai câu thơ:

“Gặp nhau giữa những con đường

  Tay vẫy miệng cười thật dễ thương”

  Thỉnh thoảng gặp một khúc cây đẹp nhưng quá lớn, chúng tôi phải nhờ ông Từ Bi, hàng xóm của chúng tôi, dùng xe để chở về giùm.  Thiền sư dựng cây chung quanh căn nhà.  Người xắp xếp một cách khéo léo nên nhìn vào thấy giống như một hàng rào gỗ tự nhiên và đẹp mắt.  Thiền sư còn đặt những cành cây mục vào trong hai chậu trúc để giữ độ ẩm và làm phân bón cho chúng.  Hàng ngày, người múc nước mưa tưới cho trúc nên chúng lớn nhanh và xanh tốt.  Trước khi Thiền sư trở qua Mỹ lần thứ tư, chúng tôi có xin được một bụi trúc tiêu thật lớn của một người Tàu đem về nhưng chưa biết trồng chỗ nào cho đẹp.  Khi Thiền sư qua tới, chúng tôi có hỏi ý Người, và Người muốn trồng hai bên phía trước căn nhà.   

  Sau ba tuần vân du miền Nam Florida, Thiền sư trở về Việt nam và không quên dặn dò chúng tôi phải thường xuyên tưới nước cho chúng.  Năm tới, nếu Thiền sư trở lại, chắc những bụi trúc này sẽ rất đẹp.  Loại trúc tiêu này không mọc lan ra nhưng sẽ xòe ra ở phía trên.  Trong tương lai, căn nhà sẽ thêm xinh xắn vì có nhiều trúc xanh mọc chung quanh.   Thiền sư rất thích chỗ ở này.  Đôi khi chúng tôi hỏi, “Thầy có nhớ nhà không?” Người cười và trả lời, “Ở đây là nhà thì còn nhớ gì nữa.”  Đó là lý do tại sao Thiền sư đặt tên cho căn nhà sàn nhỏ này là Phong Trúc Am.  Trong thời buổi văn minh hiện đại như ngày nay, ỏ Hoa Kỳ chắc chắn chỉ có duy nhất một Phong Trúc Am và một Dị nhân Thiền sư ẩn cư ở đó.  Chúng con xin thành kính cúi đầu bái phục

Pháp Thuận